Tư duy chính trị Võ Văn Kiệt- Tầm viễn kiến của một chính khách

Tên tuổi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã được biết đến rất sớm, từ khi ông làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh với những chuyện “xé rào”, tìm cách làm ăn mới, tháo gỡ khó khăn cho thành phố đầu những năm 1980. Nhưng tiếng tăm ông chỉ thật sự nổi lên khi ông được điều động ra Trung ương (4-1982) ban đầu làm Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng  kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch nhà nước, rồi quyền Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (3-1988).Tháng 8-1991, ông được Quốc hội cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Quốc hội khóa IX (1992 – 1997), tiếp tục bầu ông làm Thủ tướng Chính phủ Việt Nam (theo Hiến pháp mới). Hoạt động sôi nổi, nhạy bén, quyết đoán cùng những tìm tòi sáng tạo của ông trong khoảng 15 năm trên cương vị lãnh đạo quốc gia, đã khiến ông được thừa nhận rộng rãi là một “nhà lãnh đạo kiệt xuất của thời kỳ đổi mới”.

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông – một trong số những nhà lãnh đạo được đồng bào và giới trí thức cả nước ngưỡng mộ, tôi muốn viết đôi dòng về ông như một thôi thúc của trái tim; nhưng viết cái gì, viết thế nào, lại cảm thấy thật không dễ, bởi người ta đã viết quá nhiều về ông. Là một cán bộ cấp thấp, làm việc ở Hà Nội, tôi chưa một lần được làm việc riêng với ông, nay viết cái gì về ông cũng khó tránh khỏi trùng lặp với người khác. Vậy cho phép tôi được đưa ra mấy dòng muộn màng này, như là một bài thu hoạch riêng về một tài năng và nhân cách lớn, có điều gì sơ xuất, mong được lượng thứ.

Ấn tượng đầu tiên khó quên của tôi về ông là trong cuộc mit tinh trọng thể của nhà nước kỷ niệm lần thứ 40 ( 1994 ) Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ diễn ra tại Hội trường Ba Đình, với sự có mặt đông đủ các nhà lãnh đạo thời bấy giờ, kể cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có điều lạ là Ban tổ chức đã không giới thiệu về sự có mặt của Đại tướng và trong bài diễn văn chính đọc tại lễ kỷ niệm cũng không một lần nhắc đến tên vị Tổng tư lệnh đã trực tiếp chỉ huy, làm nên chiến thắng, hiện đang có mặt tại Hội trường. Khi người đọc diễn văn vừa bước xuống, người ta thấy ông Kiệt đứng lên, dõng dạc phát biểu: Tôi đề nghị Hội trường chúng ta nhiệt liệt vỗ tay chào mừng sự có mặt hôm nay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người anh hùng Điện Biên, vị Tổng chỉ huy đã lãnh đạo quân đội ta  kiên cường chiến đấu suốt 56 ngày đêm, làm nên một Bạch Đằng, một Đống Đa của thời đại mới ! Những tràng vỗ tay nồng nhiệt vang lên. Một không khí xúc động tràn ngập Hội trường. Ai cũng cảm nhận được thái độ thẳng thắn, dũng cảm, lòng chân thành của vị Thủ tướng và thầm cảm ơn ông, bởi thiếu đi một cử chỉ đàng hoàng như vậy thì không biết ta sẽ còn phải tự vấn mình như thế nào?

Từ đó, tôi chú ý đọc các bài viết, bài nói của ông nhiều hơn, dần dần nhận ra ở ông tầm vóc của một chính khách lớn của thời kỳ đất nước đang tìm tòi đổi mới.

Chính khách – chính khách đích thực – trong cảm nhận của tôi, là người có tầm văn hóa cao, có nhãn quan chính trị xa rộng, nắm bắt được xu thế phát triển của thời đại, dự kiến được bước đi của đất nước, nhờ đó có thể đưa dân tộc vượt qua được hiểm họa ở những khúc quanh của lịch sử. Đó là người có phẩm chất đạo đức – nhân văn sâu sắc: hết lòng yêu thương nhân dân, biết tập hợp hiền tài, kẻ sĩ, chẳng những có sức hấp dẫn, lôi cuốn nhân dân mình mà còn tranh thủ được cảm tình của nhân loại tiến bộ đồng tình, ủng hộ cuộc đấu tranh của chúng ta vì những mục tiêu cao cả của dân tộc và thời đại.

Những chính khách như vậy cố nhiên là những vĩ nhân, thiên tài hiếm hoi, như Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, hàng mấy trăm năm mới xuất hiện một người. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thuộc về một tầm vóc khác. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy ở ông những tố chất của một chính khách lớn, ngày càng được định hình, tiếc rằng quỹ thời gian của ông không còn dài để ông có thể phát triển và tỏa sáng hơn nữa. Kỷ niệm ngày sinh của ông, tôi muốn thử đưa ra mấy cảm nhận riêng – chỉ như là thắp một nén tâm hương để tưởng niệm ông.

Đối với một chính khách, yêu cầu hàng đầu là phải có tầm tư duy chính trị viễn kiến. Tư duy đó gắn liền với tầm trí tuệ, tầm văn hóa, vốn kinh lịch thực tiễn phong phú của mỗi người. Ông Võ Văn Kiệt sinh ra ở một vùng quê Nam Bộ, trong một gia đình nông dân nghèo có tám anh chị em (không kể một người con nuôi), ông không có điều kiện học hành nhiều trong nhà trường, vậy điều gì đã làm cho ông từ một nông dân áo vải, chân đất, trở thành một nhà lãnh đạo có tâm- trí – dũng ở trình độ cao như vậy?

Theo tôi hiểu, trước hết, ông là một người lăn lộn và trưởng thành trong thực tiễn đấu tranh cùng nhân dân. Gia nhập hàng ngũ cách mạng từ năm 16 tuổi, làm công tác vận động quần chúng, tham gia Nam Kỳ khởi nghĩa, khởi nghĩa thất bại, ông thoát ly vào cứ, từng bước trưởng thành, từ cán bộ cơ sở, huyện, tỉnh, xứ ủy viên Nam Bộ, ủy viên Trung ương Cục Miền Nam, rồi tham gia Bộ Chính trị, đến 3-1988 được cử làm quyền Chủ tịch, sau đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Thủ tướng Chính phủ, khi ấy ông đã có hơn 50 năm trải nghiệm qua các lĩnh vực hoạt động: vận động chính trị, đấu tranh vũ trang, xây dựng và phát triển kinh tế,…ở lĩnh vực nào ông cũng có những cống hiến nổi bật. Đó là chỗ ông hơn hẳn nhiều người “làm quan tắt” hiện nay – họ có những khoảng trống không thể nào “đi tắt” mà có thể lấp đầy được – đó là những năm tháng lăn lộn trong dân, ăn cơm, mặc áo của dân, được dân cưu mang, che chở, nên thấu hiểu được nỗi cực khổ cùng tâm tư, khát vọng giản dị của họ, sau độc lập tự do là miếng cơm, manh áo, ruộng cày. Sống trong dân, ông cũng học được nhiều ở trí tuệ của người dân. Họ không biết lý luận, nhưng họ có cái nhìn rất sáng về cái đúng, cái sai, cái trúng, cái trật của cách mạng. Ông rút ra bài học: cái gì được dân đồng tình, ủng hộ là ta đúng, cái gì bị dân phản đối là ta sai. Ông hành xử theo cái “minh triết” ấy của người dân. Niềm tin đó của ông càng được củng cố sâu sắc thêm qua lời căn dặn của Bác Hồ:“nhân dân rất thông minh”, một chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt là chính quyền “được lòng dân”, “ta đừng có làm gì trái ý dân, dân muốn gì ta phải làm nấy”.

Điều đó tạo cho ông niềm tin và lòng dũng cảm, để ông trở thành “tướng xé rào” ngay từ trong chỉ đạo đấu tranh vũ trang ở Khu IX sau Hiệp định Pa-ri. Ông dám vượt qua những “mệnh lệnh” chủ quan, không sát hợp với thực tế chiến trường và tuyên bố: “Mệnh lệnh tối cao lúc này là phải giữ đất, giữ dân. Nếu không chống địch lấn chiếm, để mất đất, mất dân lúc này là mất tất cả”. Thực tế xác nhận ông đã hành động đúng, và chân lý thuộc về ông. Cũng như vậy, vào cuối những năm 1970, đầu 1980, khi nền kinh tế nước ta lâm vào kiệt quệ, 3 triệu rưởi dân thành phố đang bị thiếu đói, mệnh lệnh tối cao đối với ông lúc đó là “cứu đói cho dân, cứu nguy cho nền kinh tế thành phố ”, ông dám “xé rào”, vượt qua cơ chế quan liêu, bao cấp, cho phép thí điểm cách làm ăn mới trong sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối,…từ đó thổi bùng lên một không khí làm ăn mới, tạo đà cho thành phố bước vào một thời kỳ phát triển năng động, góp phần không nhỏ làm thay đổi tư duy kinh tế cũ, tạo cơ sở bước đầu cho sự hình thành đường lối đổi mới của Đảng tại Đại hội VI.

Có thể nói, trí tuệ của ông bắt nguồn từ trí tuệ của dân. Ông dám nói, dám làm bởi ông không có tham vọng cá nhân, tất cả đều vì dân, cho dân. Phải chăng vì vậy mà người ta mệnh danh ông là ông Sáu Dân?

Thứ hai, phải xem ông là một trí thức bẩm sinh, bởi không phải ai sống với dân cũng biết học hỏi dân. Ông được trời phú cho một trí tuệ mẫn cảm, ham học hỏi, ưa tìm tòi cái mới, nên chủ động tìm đến mọi nguồn tri thức để tự hoàn thiện mình. Ông có tư duy cởi mở, có con mắt xanh trong phát hiện và sử dụng trí thức, người tài, không phân biệt cũ – mới, miễn là họ có hiểu biết sâu về những lĩnh vực đang còn rất mới đối với ông. Khiêm tốn lắng nghe họ trình bày và tranh cãi, rồi tinh tường lựa chọn lấy những điều có thể áp dụng vào từng hoàn cảnh cụ thể, nghĩa là vừa biết làm học trò, vừa biết đứng trên vai người khác, để có được tầm vóc cao hơn họ.

Đó là những nhân tố góp phần hình thành nên ở ông một tư duy chính trị nhạy bén trước bước ngoặt đầy kịch tính của lịch sử: hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới bất ngờ tan vỡ, Việt Nam mất đi một chỗ dựa vật chất và tinh thần to lớn, vào giữa lúc ta đang khó khăn nhất: bị bao vây, cô lập cả về kinh tế và chính trị.

Sau khi nhận chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ít lâu, ông thực hiện một chuyến công du qua mấy nước lớn. Lúc này, nước Nga vẫn đang rơi vào hỗn loạn, chưa có một chính quyền ổn định, chưa thể có chiến lược gì với Đông Nam Á, ông B.Yeltsin lánh mặt, không tiếp.Trung Quốc đưa ra với ta một công thức còn chua chát hơn: “là đồng chí nhưng không là đồng minh”! Bằng cảm quan chính trị nhạy bén của mình, ông sớm nhận ra rằng: chủ nghĩa xã hội đã không còn tồn tại như một hệ thống, chiến tranh lạnh đã kết thúc, nhân tố ý thức hệ đã mất đi vai trò gắn kết ngày xưa, bạn thù cũng đã khác, cả hai ông bạn lớn đều đang trở về với chủ nghĩa đại dân tộc cố hữu của mình! Lịch sử đã sang trang, thời thế đã thay đổi, ông nói với những người xung quanh: “Thế giới ngày nay cần phải được hiểu theo cách mới, mọi suy nghĩ, ứng xử không thể nhất nhất như xưa, ta phải biết tự tìm ra con đường đi cho đất nước mình”.

Khi thế giới đã không còn đối đầu hai phe, không một quốc gia nhỏ nào còn có thể trông cậy vào sự  viện trợ của một cường quốc lớn như thời kỳ trước đây. Việt Nam muốn thoát ra khỏi tình thế nguy nan, phải có tư duy chính trị mới, phải biết tạo dựng những mối quan hệ mới, tìm ra những đối tác mới nếu không muốn bị chìm nghỉm trong một thế giới đang cạnh tranh quyết liệt để tồn tại và phát triển ở thời kỳ hiện nay.

Sau khi tham gia nối lại quan hệ bình thường với Trung Quốc, ông mở rộng cửa đi ra thế giới, đem nụ cười cởi mở và khuôn mặt thân thiện đến với mọi người, trước hết là với các nước láng giềng Đông Nam Á, đưa ra thông điệp về một nước Việt Nam đổi mới, sẵn sàng làm bạn và đối tác tin cậy với tất cả các nước vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển, ông xúc tiến khẩn trương việc gia nhập ASEAN, vận động Mỹ xóa bỏ cấm vận, tiến tới bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ,…

Kết quả là năm 1992, Mỹ bỏ cấm vận, đến năm 1994 thì bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, năm 1995 Việt Nam gia nhập ASEAN,…Năm 1997, khi ông rời chức vụ Thủ tướng, Việt Nam đã huy động được 8,5 tỷ USD ODA và 28 tỷ USD đầu tư nước ngoài, mức độ tăng trưởng hàng năm là 8%. Những thành tựu đó không tách rời với ứng biến năng động và tư duy chính trị nhạy bén của ông Võ Văn Kiệt.

Ông cũng là một trong những người đi tiên phong trong đổi mới tư duy kinh tế ở nước ta. Ông nhận nhiệm vụ vào lúc tình hình kinh tế-xã hội đất nước đang khủng hoảng nghiêm trọng, lạm phát phi mã, có lúc lên tới 774 %; tư duy kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp vẫn còn dai dẳng, tư duy đổi mới  chưa được thật thông suốt trong lãnh đạo.Trên cương vị của mình, ông đã cùng đồng sự tìm tòi và đưa ra nhiều chính sách có tính đột phá như: xóa bỏ chỉ tiêu pháp lệnh, trao quyền tự chủ kinh doanh cho xí nghiệp quốc doanh; thực hiện thương mại hóa tư liệu sản xuất, cho phép các doanh nghiệp lớn, cả TƯ và địa phương, được trực tiếp xuất nhập khẩu, chấm dứt tình trạng hai giá; xóa bỏ chế độ thu mua nghĩa vụ áp đặt với nông dân, bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, thực hiện tự do lưu thông hàng hóa trong cả nước,…chuyển dần nền kinh tế từ bao cấp sang kinh tế thị trường, đưa đời sống kinh tế đất nước đi dần vào thế ổn định.

Cũng cần kể ra đây những công trình mang “dấu ấn thời kỳ Võ Văn Kiệt” như thau chua, rửa mặn cho vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, biến ruộng một vụ thành hai vụ, đưa năng suất lên cao nhất nước ; công trình đường dây tải điện 500 KV Bắc – Nam, điều hòa lượng điện quốc gia; công trình đường cao tốc Thăng Long – Nội Bài mở rộng cửa ngõ cho Thủ đô,v.v…Không phải ngay từ đầu những công trình này đã có được sự đồng thuận, nhưng nhờ sự quyết đoán và khả năng “truyền lửa” của ông mà nhiều công trình đã hoàn thành trước thời hạn, đi vào sử dụng, phát huy ngay hiệu quả.

Sự phát triển năng động của đời sống kinh tế đã gây cho một số người nỗi lo “chệch hướng”, nhưng ông không ngại những “hù dọa” đó. Nghe ông Lý Quang Diệu nói với ông rằng: “Năm 1975, Thành phố Hồ Chí Minh có thể cạnh tranh ngang ngửa với Bangkok; còn năm 1992, tôi nghĩ có lẽ nó đã tụt hậu 20 năm”, ông Kiệt cảm thấy đau nhói trong tim. Ông không lo “chệch hướng” chỉ lo đất nước tụt hậu ngày càng xa so với các nước trong khu vực, bởi “trúng” hay “chệch” phải được xem xét trên hiệu quả thực tế, tức là phải lấy mức sống được cải thiện của nhân dân và sự phát triển của đất nước làm tiêu chí chứ không phải theo những điều “cấm kỵ” mơ hồ, trừu tượng nào.Trái lại, ông từng chỉ ra rằng: nguy cơ “chệch hướng” thật sự đang ẩn náu trong nhiều hiện tượng kinh tế-xã hội đáng lo ngại hiện nay, như lạm dụng quyền lực để làm ăn trái pháp luật, tham nhũng, cửa quyền, tiêu xài lãng phí, ăn cắp của công,…Đáng buồn là những cảnh báo sớm của ông về sự “chệch hướng” ấy nay đã hiện hữu trầm trọng như một quốc nạn, vẫn chưa có cách nào đẩy lui được nó!

Ông rời chức khi đã 75 tuổi, sau 60 năm lăn lộn “vào sinh ra tử”, ông có quyền  cho phép mình “nghỉ ngơi vui thú thanh nhàn”, nhưng ông không chấp nhận “lão giả an chi” mà tiếp tục dấn thân tìm tòi cho đất nước một con đường, theo đại lộ mà nhân loại đang đi, để có thể “sánh vai, mở mặt với năm châu”, như nguyện ước sinh thời của Bác Hồ.

Nghỉ hưu rồi, ông có điều kiện khảo sát thực tế nhiều hơn, trao đổi rộng rãi hơn với các chính khách, chuyên gia trong ngoài nước, nên có thể nhìn nhận  tình hình và góp ý với Đảng nhiều hơn. Theo ông, “một trong những thách thức là sự phát triển kinh tế của chúng ta vẫn tiếp tục lệ thuộc một chiều vào thế giới bên ngoài. Lệ thuộc vốn đầu tư, làm gia công và thương hiệu. Nước nào cũng lệ thuộc lẫn nhau, nhưng vấn đề là ở chỗ làm sao chuyển từ lệ thuộc một chiều và thụ động, sang sự lệ thuộc hai chiều và chủ động”.

Ông lưu ý với Đảng: “Đừng để người nghèo bị gạt ra bên lề của sự phát triển”. Ông dẫn số liệu điều tra của UNDP cho thấy: nhóm 20% những người giàu nhất ở Việt Nam hiện đang hưởng tới 40% lợi ích từ các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước; trong khi nhóm 20% những người nghèo nhất chỉ nhận được 7% lợi ích từ nguồn này”. Ông thừa nhận hoạt động từ thiện ở ta khá rầm rộ, nhưng từ thiện không thể thay chính sách, những người thực tâm muốn giúp đỡ người nghèo thường không chọn cách phô trương ồn ào để mua danh với thiên hạ. Ông nói:“Chăm lo cho người nghèo hiện nay không đơn giản chỉ là thực hiện một cam kết có tính lịch sử, mà còn là bảo vệ tôn chỉ, mục đích của một Đảng cách mạng luôn nhận mình đứng về phía nhân dân”, vì vậy, phải có những chính sách cốt lõi để giải quyết căn cơ vấn đề dân nghèo”. Ông đề nghị chúng ta nên nghiên cứu, tham khảo cách làm của các quốc gia phát triển, sau nhiều lần tự điều chỉnh, ở đó người lao động, người nghèo đã được hưởng một chế độ phúc lợi khá cao, nhờ đó tạo ra được một xã hội an sinh, ổn định để phát triển. Với những suy nghĩ tâm huyết đó, ông được dân gọi là “vị Thủ tướng của người nghèo”.

Ông cũng gợi cho Đảng và Nhà nước nhiều ý kiến mới mẻ và sâu sắc về sự cần thiết phải kết hợp kinh tế với chính trị, kinh tế với văn hóa, kinh tế với lobby ngoại giao,…mà ta chưa vận dụng được bao nhiêu. Theo ông, khi thế giới hai cực đã không còn, ta cần thay chỗ dựa (vào một nước) bằng cách dựa (vào khai thác các quan hệ quốc tế), nghĩa là biết “cài đặt  mối quan hệ giữa các nước với nhau, khai thác các mâu thuẫn, củng cố nó bằng các lợi ích song phương, tạo ra lợi ích cho đối phương để tìm kiếm lợi ích từ đối phương” (như Trung Quốc đã dựa vào Mỹ để đối đầu với Liên Xô trước đây, nay lại bằng cách nhập hàng hóa rẻ vào Mỹ hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho tư bản Mỹ đầu tư vào Trung Quốc, qua đó dùng lợi ích của tư bản Mỹ để khóa tay chính giới Mỹ; hoặc như cách Bác Hồ đã làm thời kỳ 1945-1946: dùng lực lượng OSS của Mỹ khiến quân Tưởng phải “dè chừng”, trọng dụng Bảo Đại và các quan lại cao cấp của chế độ cũ để làm mất chỗ dựa mà Pháp và các thế lực đối lập đang muốn lôi kéo họ để chống ta, tạm thời chấp nhận nhân nhượng với Pháp để đẩy nhanh quân Tưởng về nước, v.v.. ).

Trong đổi mới tư duy, ông cũng rất quan tâm đến vấn đề đổi mới tư duy lý luận. Ông không phải là người sính lý luận nhưng ông không hề coi thường lý luận, vì ông hiểu lý luận là nền tảng, là phương hướng chỉ đạo mọi đường lối, chủ trương, chính sách,…của Đảng và Nhà nước. Nhờ có lý luận cách mạng tiên tiến mà cách mạng Việt Nam từng bước giành được thắng lợi vẻ vang. Ông trung thành và kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin-Tư tưởng Hồ Chí Minh, một sự trung thành sáng suốt. Ông nêu vấn đề: cũng vẫn là vận dụng lý luận ấy, tại sao trong nhiều giai đoạn cách mạng khác nhau, Đảng ta vẫn không tránh khỏi phạm sai lầm, thậm chí sai lầm nghiêm trọng? Ông tự làm một cuộc duyệt lại lịch sử và thấy rằng lịch sử Đảng ta là lịch sử không ngừng đấu tranh giữa hai khuynh hướng tư duy: tư duy khách quan khoa học đúng đắn và tư duy chủ quan, “tả” khuynh, duy ý chí, thiếu độc lập, tự chủ, nặng sao chép giáo điều, thoát ly hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phải không ngừng đấu tranh, khắc phục khuynh hướng sai lầm này để đưa cách mạng tiến lên.

Như vậy, lý luận chỉ là những nguyên lý chung, còn vận dụng như thế nào cho phù hợp với thực tế từng nơi, từng lúc, lại phụ thuộc vào tầm văn hóa chính trị, vào nhận thức, phương pháp và phong cách tư duy của người lãnh đạo. Vì vậy, mới có hiện tượng: một chủ trương ở thời điểm này được coi là đúng, sau đó lại bị thực tế chứng minh là sai; có giải pháp, cách làm lúc đầu bị phê là chệch, sau lại được cuộc sống khẳng định là trúng. Từ thực tế đó, ông kiến nghị với Đảng, trong tổng kết công tác lý luận và hoạt động thực tiễn của mình, không nên chỉ tổng kết những cái đúng, cái sáng tạo mà cần phải tổng kết cả những cái sai, cái chệch, coi đó là những bài học lịch sử cần tránh, để không bị lặp lại, nhất là khuynh hướng giáo điều, cơ hội “tả” khuynh.

Theo ông: trong tổng kết lý luận, “có một loạt khái niệm cần được xem xét lại kỹ hơn, sâu hơn về nội dung của nó”. Ông nêu ra 10 vấn đề, ở đây chỉ xin dẫn ra vài điểm, ví dụ ông hỏi khái niệm về “giai cấp công nhân Việt Nam” hiện nay “cần được xác định như thế nào? Có gì khác với giai cấp công nhân thời kỳ Pháp thống trị, thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ? Trong điều kiện kinh tế tri thức, kinh tế thị trường, giai cấp công nhân có đặc điểm gì mới, thái độ chính trị như thế nào, lòng căm thù giai cấp , sức chiến đấu giai cấp có gì khác trước?…Hiểu về một giai cấp không rõ thì khó thấy, khó biết được đội tiền phong của giai cấp đó là gì và phải làm gì?”.

Hoặc về khái niệm “tư tưởng Hồ Chí Minh”, ông khẳng định là “rất đa dạng, phong phú và sâu sắc,…chưa bao giờ có ai trong chúng ta nói rằng không theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng trong thực tế, ở rất nhiều nơi, rất nhiều lúc, chúng ta đã vi phạm nghiêm trọng tư tưởng của Bác Hồ,…nhưng hình như chưa có công trình nghiên cứu nào nhìn nhận một cách thẳng thắn xem chúng ta đã vận dụng đúng đắn và đã vi phạm những gì trong tư tưởng của Người? Nếu không làm rõ việc đó thì có gì đảm bảo rằng chúng ta không tiếp tục phạm sai lầm, làm trái với tư tưởng đó?”.Ông nêu ví dụ: tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1951), Người đã nói: “Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”. Chúng ta có theo tư tưởng ấy của Hồ Chí Minh không?”, “chúng ta đã làm gì để Đảng thực sự là Đảng của dân tộc?”.

Tóm lại, theo ý ông, nội hàm của mọi khái niệm lý luận không đứng im, bất biến mà đều vận động và được bổ sung bằng thực tiễn phát triển của cuộc sống. Người công nhân thời công trường thủ công, thời máy hơi nước, qua các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, lần thứ hai đến thời đại tin học, kinh tế tri thức, tự động hóa,…khi rôbốt đã có thể thay thế con người trong nhiều công đoạn sản xuất, thì tính chất, đặc điểm, vai trò lịch sử của giai cấp công nhân hiện đại đã khác rất xa so với người công nhân thời Mác ở nửa cuối thế kỷ XIX . Với nhiều khái niệm khác cũng vậy, đều cần được nhận thức lại để hiểu rõ, hiểu sâu hơn nữa, theo kịp với sự vận động, phát triển của đời sống thực tiễn.

Qua những ý kiến và lập luận đó của ông, có thể thấy tư duy chính trị của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là toàn diện, sâu sắc, nhạy bén và có tầm chiến lược. Nó phản ánh khát vọng cháy bỏng của ông trong việc tìm tòi con đường đi cho dân tộc ở vào một thời điểm chuyển biến đầy khó khăn. Tâm nguyện của ông là: một dân tộc đã trải qua bao gian khổ, hy sinh, mất mát để giành lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, dân tộc ấy phải được sống hạnh phúc trong độc lập, tự do, được hưởng “công bằng, dân chủ, văn minh” như mọi dân tộc tiên tiến trên thế giới. Ông có trí tuệ lớn là bởi ông có trái tim lớn. Do đó, nói tư duy chính trị Võ Văn Kiệt, suy đến cùng vẫn là nói tấm lòng yêu nước thương dân của ông, đến chủ nghĩa nhân văn cao cả và sâu sắc của ông, một phẩm chất mà ông đã suốt đời âm thầm rèn luyện, noi theo người thầy vĩ đại và tôn kính của mình.

Không phải ai chiến đấu dưới ngọn cờ Hồ Chí Minh, khi “cái quan luận định”, cũng có thể được nhân dân thừa nhận là “người học trò trung thành và xuất sắc của Bác Hồ”.  Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất xứng đáng với sự vinh danh đó – vì khi sống ông đã đau nỗi đau của đất nước, đã mơ giấc mơ của người nghèo, nên khi chết, ông được nhân dân khóc thương. Ông là hình ảnh cao đẹp về một người cầm quyền đã giành được chiến thắng trước những thử thách khốc liệt, đầy cám dỗ của thời buổi kinh tế thị trường, để mãi mãi là một người cộng sản chân chính trong trái tim của nhân dân./.

         GS. Trần Hiếu Đức*

 


* Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

Bình luận về bài viết này