Tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh với vấn đề tư duy lại triết lý giáo dục VN hiện nay

Tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh với vấn đề tư duy lại triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay

GS Song Thành

1. Phải chăng Việt Nam chưa có triết lý giáo dục của mình?

Trong cuộc trao đổi về thực trạng khủng hoảng và tìm lối ra cho giáo dục Việt Nam hiện nay, có một vài ý kiến cho rằng nguyên nhân là do Việt Nam chưa có triết lý giáo dục của riêng mình. Có lẽ vấn đề còn phụ thuộc vào quan niệm. Cần phân biệt triết học giáo dục, được hiểu theo nghĩa chặt chẽ của nó, như là một bộ môn, một chuyên ngành của triết học đương đại về giáo dục; với triết lý giáo dục, được hiểu theo nghĩa rộng, như là những quan điểm, những nguyên lý nền tảng chỉ đạo việc xác lập mục tiêu, nội dung và phương pháp thực hiện (dạy và học), hệ giá trị cần vươn tới, cách tổ chức và con đường xây dựng, phát triển nền giáo dục của một quốc gia.


Nếu hiểu như vậy, thì bất cứ nền giáo dục của một dân tộc nào, ở thời đại nào cũng đều có triết lý riêng – dù nó được đã được xây dựng hoàn chỉnh như một luận thuyết hay mới chỉ cô đúc trong mấy châm ngôn, khẩu hiệu nhưng đã hàm chứa trong đó những hạt nhân triết lý nhất định. Mỗi triết lý giáo dục đều được hình thành từ những yêu cầu, đặc điểm kinh tế-xã hội cùng truyền thống triết học-văn hóa hay chế độ chính trị của quốc gia và thời đại sinh ra nó.
Nói thế cũng có nghĩa là không có triết lý giáo dục nào – dù hoàn bị đến đâu – sinh ra một lần rồi bất biến. Thời đại biến chuyển, đất nước đổi thay, văn hóa-khoa học phát triển, triết lý giáo dục cũng phải được tư duy lại, bổ sung, hoàn thiện hay thay đổi cho phù hợp với đòi hỏi của đời sống dân tộc và yêu cầu của thời đại.
Lịch sử phát triển giáo dục Âu-Mỹ từ xưa đến nay đã chứng kiến sự ra đời kế tiếp của nhiều triết lý giáo dục khác nhau, từ Hy Lạp cổ đại qua nghìn năm Trung cổ sang thời Phục hưng, Khai sáng,… rồi đến thời hiện đại, đã xuất hiện biết bao triết lý giáo dục, gắn liền với tên tuổi của những nhà triết học lỗi lạc như Platon, Aristote, Rabelais, Montaigne, Montesquieu, J. J. Rousseau, I. Kant,…và ở thời đại hiện nay là K.Marx, J. Dewey, M. Foucault…cùng nhiều tên tuổi lỗi lạc khác nữa.
1. Nói riêng về giáo dục Việt Nam, sau khi giành lại độc lập từ thế kỷ thứ X, vua quan phong kiến nước ta đã sẵn sàng chấp nhận hệ tư tưởng Nho giáo với những giáo huấn Khổng-Mạnh làm nền tảng cho triết lý giáo dục của mình và duy trì nó trong suốt hàng nghìn năm tồn tại của chế độ. Mục tiêu của nó là nhằm đào tạo ra một tầng lớp quan lại, sĩ phu có đủ “tam cương, ngũ thường”, biết “tu thân, tề gia, trị quốc”, thông qua hệ thống thi cử để chọn người ra làm quan, không được làm quan thì mới chịu làm thầy. Sách vở, kiến văn của các nho gia thời đó còn rất hạn hẹp, không ra ngoài “tứ thư, ngũ kinh”, cộng thêm một ít Bắc sử và chút kiến thức về y, lý, số…Phương pháp chủ yếu là thầy thuyết giảng, trò lĩnh hội, mà đã là lời của “thánh hiền” thì chỉ được bàn rộng ra để hiểu kỹ, chứ không được “cãi” lại, không được phép đổi thay!
Xét theo quan điểm lịch sử, không phải triết lý giáo dục Nho giáo không có những ưu điểm nhất định. Nó đề cao tinh thần hiếu học (nhân bất học bất tri lý; học nhi bất yếm…), học phải đi liền với tập (học nhi thời tập chi), đề cao đạo đức người quân tử, phải biết “tiên ưu, hậu lạc”, nên đã một thời từng góp phần đào tạo ra những “trung thần, lương tướng”, những ông quan thanh liêm, những nhà nho khí tiết,…Về phương pháp nhận thức, nó cũng từng đưa ra được những mệnh đề, những phương châm đúng đắn, như “cách vật trí tri” (nghiên cứu đến cùng sự vật để nắm được tri thức), phải “đa văn, khuyết nghi”(cần nghe nhiều để biết nhiều, nhưng lại phải biết hoài nghi chỗ còn khiếm khuyết); trong học tập cần “quảng bác, thẩm vấn, thận tư, minh biện, đốc hành” (nghĩa là phải tham bác rộng, tra hỏi cho kỹ, suy nghĩ thận trọng, tranh luận cho sáng tỏ, rồi ra sức mà thực hành), v.v..
Tuy cũng từng đề ra khẩu hiệu “nhật nhật tân, hựu nhật tân”, nhưng về bản chất, Nho giáo là thủ cựu, chủ trương chỉ “thuật nhi bất tác”, không khuyến khích tìm tòi, sáng tạo; trọng đức nhưng không trọng tài, ngược lại sợ người tài, tạo ra vô số trở ngại để khống chế người tài, cốt nhằm bảo vệ quyền lực của giai tầng thống trị. Nho giáo đề ra thuyết “Trung Dung”, phê phán mọi xu hướng “thái quá”, đề cao đức hạnh trung hiếu, lễ nghĩa, an mệnh, phục tùng,…nên nhà nho thường chỉ sợ bị coi là “vô hạnh” chứ không ngại nhận mình “bất tài” , vì thường “chữ tài liền với chữ tai một vần”. Đó là nguyên nhân giải thích tại sao xã hội phong kiến-nho giáo trì trệ, hàng nghìn năm không thay đổi, khoa học cùng công kỹ nghệ và thị trường không thể phát triển, con đường tiến thân duy nhất chỉ là học để đi thi, làm quan, mà nhu cầu bổ dụng lại rất có hạn. Dần dần, nho học trở thành một thứ “hư học”, giáo điều, từ chương, cử nghiệp, ngày càng xa rời sản xuất và thực tiễn ở ngay trên đất nước mình.
2. Bước sang thời Pháp thuộc, sau khi đã bình định xong đất nước ta, họ bắt tay vào công cuộc khai thác thuộc địa, biến nước ta thành xã hội thực dân nửa phong kiến. Để thực hiện chính sách ngu dân, chính quyền thuộc địa Pháp tiếp tục duy trì chế độ học tập và thi cử bằng chữ Hán, cho đến năm 1919 mới hoàn toàn bãi bỏ. Nhu cầu cai trị và khai thác thuộc địa buộc họ phải mở ra các trường tiểu học Pháp-Việt cho một số tỉnh, rồi tiến dần lên mở trung học đệ nhất cấp cho một vài trường là trung tâm của khu vực, đến năm 1927 mới có trung học đệ nhị cấp, tính đến năm 1930, cả Đông Dương cũng mới chỉ có 2 trường có ban tú tài bản xứ là trường Pétrus Ký Sài Gòn và trường Trung học Bảo hộ Hà Nội. Rồi sau đó họ mới cho mở các trường cao đẳng chuyên nghiệp như sư phạm, canh nông, thú y, thương mại,…mãi tới gần thế chiến II mới có đại học luật, y-dược,…
Tất nhiên, các trường đó đều được mở ra ở các thành phố lớn, học sinh đều xuất thân từ các gia đình quan lại, viên chức hay nhà giàu, số trường lớp đã ít mà lượng tuyển sinh hàng năm cũng ngặt nghèo, thường phải chạy chọt, còn con em nhân dân lao động thì vẫn mù chữ và thất học; vả lại các ông chủ thực dân không hề có ý định mở mang dân trí, truyền bá các tư tưởng khai sáng của các triết gia thời cách mạng Pháp.
Nhưng khách quan mà nói, các vị giáo sư người Pháp, theo lương tri, lương năng của những nhà sư phạm chân chính, đã đem ánh sáng của triết học khai minh tiên tiến, rọi vào nền giáo dục còn lạc hậu của nước ta thời ấy, khiến cho các nhà nho cấp tiến dần dần thức tỉnh, vượt qua được mặc cảm kỳ thị, bước đầu hướng theo nền giáo dục tiên tiến của phương Tây.
Cũng vào khoảng cuối thập niên đầu thế kỷ XX, các sách “tân thư” do Trung Quốc dịch, bắt đầu truyền vào Việt Nam, các nhà nho ta có dịp tiếp xúc với tư tưởng mới của Lư Thoa (J. J. Rousseau), Mạnh Đức Tư Cưu (Ch. de Montesquieu ), Phục Nhĩ Thái (Fr. Voltaire),…từ đó dấy lên Phong trào Duy tân và sự ra đời của trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Phan Chu Trinh đưa ra chủ trương nâng cao dân trí, dân khí, dân quyền, phê phán “hư học”, cổ động cho “thực học, thực nghiệp”: bỏ chữ Hán thay bằng chữ quốc ngữ, coi trọng học nghề chuyên môn, kể cả nghề buôn, chỉ ra mục tiêu của giáo dục mới là phải đào tạo ra một kiểu người hăng hái đua chen trên trường doanh nghiệp, giàu lòng tự tin, có chí mạo hiểm, có óc tìm tòi, hiến thân mình vì lợi ích chung của đất nước.
Tư tưởng của Phan Chu Trinh được các sĩ phu tâm huyết hưởng ứng, họ lập ra Liên Thành thương điếm, phát triển kinh tế để “hậu dân sinh”, mở Liên Thành thư xã và Trường Dục Thanh để “khai dân trí”; đi diễn thuyết cổ động đồng bào để “chấn dân khí”. Người thanh niên Nguyễn Tất Thành, một môn đệ đầy nhiệt huyết của Phan Chu Trinh, đã sôi nổi tham gia các phong trào này. Sau khi rời trường Quốc học Huế đi vào Nam, anh đã dừng chân ở Phan Thiết, vào làm trợ giáo trường Dục Thanh một thời gian. Tại đây, trong khuôn viên của trường, có một thư viện của cụ Nguyễn Thông được đặt tên là Ngọa du sào, chứa đầy sách tân thư, anh đã đọc nó một cách say mê và ngộ ra con đường của mình: phải đi sang phương Tây xem họ làm ăn thế nào rồi trở về giúp đồng bào.
Tuy nhiên, thực dân Pháp không để yên cho các sĩ phu yêu nước tự do tuyên truyền chống lại họ. Trường ĐKNT bị đóng cửa, phong trào Duy Tân bị đàn áp, các nhà lãnh đạo phong trào bị bắt, đầy ra Côn Đảo, nên triết lý giáo dục mới chưa có điều kiện hình thành hoàn chỉnh. Song các nhân tố mới của nó đã được phong trào truyền bá chữ quốc ngữ kế thừa và phát triển. Năm 1941, Mặt trận Việt Minh thành lập, công bố bản Chương trình cứu nước, ở mục văn hóa – giáo dục, có viết: “hủy bỏ nền giáo dục nô lệ, xây dựng nền giáo dục quốc dân, dùng tiếng mẹ đẻ để dạy học, cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ học, lập các trường chuyên nghiệp để đào tạo các lớp nhân tài, giúp đỡ trí thức phát triển tài năng”, v.v.. Năm 1943, Đảng CS Đông Dương công bố bản Đề cương văn hóa mới, trong đó có giáo dục, với ba phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng. Đó là những hạt giống ban đầu để chúng ta bước vào xây dựng triết lý mới cho nền giáo dục dân tộc, dân chủ sau Cách mạng tháng Tám.
3. Ngay sau khi vừa giành lại độc lập, đất nước ngổn ngang bao công việc cấp bách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn và nêu ra trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời 6 vấn đề cấp bách nhất, trong đó có hai vấn đề liên quan đến văn hóa-giáo dục: một là cần mở ngay chiến dịch chống nạn mù chữ”, hai là mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện : Cần, Kiệm, Liêm, Chính”.
Phong trào đang sôi nổi thì chiến tranh bùng nổ. Trong những năm đầu kháng chiến, ta phải rút lui về nông thôn, lên miền núi phòng ngự, giáo dục mới không có điều kiện phát triển. Chỉ từ sau Chiến thắng Biên giới 1950, vùng giải phóng được mở rộng, phá được thế bị bao vây, cô lập, giáo dục của ta – nhất là ở Việt Bắc – mới phục hồi và phát triển. Cũng năm đó, Bộ Giáo dục tiến hành cuộc cải cách giáo dục đầu tiên sau cách mạng nhằm quán triệt thêm một bước ba phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng, và sửa đổi triệt để nội dung chương trình cho phù hợp với hoàn cảnh kháng chiến, rút hệ thống giáo dục phổ thông từ 13 năm của Pháp cũ xuống còn 9 năm, lượng kiến thức cũng được tinh giản theo hướng thiết thực hơn.
Năm 1954, hòa bình lập lại, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Thời gian này, phe xã hội chủ nghĩa đã hình thành một hệ thống hoàn chỉnh, nối liền từ Tây sang Đông, miền Bắc trở thành tiền đồn của chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam Á, với hai nhiệm vụ chiến lược: đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Giáo dục cũng phải theo sát hai mục tiêu chiến lược đó. Năm 1956, ta tiến hành cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai, mô phỏng mô hình hệ thống 10 năm của Liên Xô lúc bấy giờ, theo đuổi mục tiêu giáo dục toàn diện (đức, trí, thể, mỹ) nhằm đào tạo ra những “người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt” cho nước nhà; với hai nguyên lý: giáo dục phục vụ chính trị và kết hợp với lao động sản xuất và ba phương châm: học đi đôi với hành, giáo dục gắn với lao động sản xuất, nhà trường kết hợp với gia đình và xã hội.
Một triết lý giáo dục như vậy, so với ngày nay đương nhiên là chưa đầy đủ và cụ thể, nhưng cũng không thể nói là “phi kinh điển”, bởi xưa nay không hề có nền giáo dục nào đứng ngoài chính trị của chế độ sinh ra nó (dù phong kiến hay tư bản), vấn đề kết hợp với lao động sản xuất vốn là một yêu cầu mà nhiều nhà triết học giáo dục cấp tiến thời hiện đại đã nêu lên, trong đó có Mác. Còn tính kinh điển của ba phương châm thì khỏi phải bàn cãi.
Vấn đề là nhận thức và vận dụng nó như thế nào? Quá chú trọng về chính trị thì sự phát huy tự do sáng tạo trong văn hóa-khoa học-nghệ thuật sẽ bị hạn chế; quá coi trọng công nông thì sẽ rơi vào chủ nghĩa thành phần-lý lịch, xem nhẹ trí thức, tài năng, sẽ làm thui chột đi nguồn nguyên khí quốc gia. Muốn kết hợp với lao động sản xuất như Mác nói (ví như một buổi học, một buổi lao động trong nhà máy,…) áp dụng cho hệ thống giáo dục phổ thông đại trà là không dễ thực hiện đối với các xã hội nông nghiệp, chậm phát triển. Cuối cùng, vì kinh tế còn khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, trang thiết bị sơ sài, việc thực hiện trở nên hình thức, chiếu lệ, tốn công sức mà ít hiệu quả. Các nhà giáo thời đó đã từng ca cẩm: Ngang lưng thì thắt phương châm,/ Đầu đội mục đích, tay cầm mục tiêu/ Nếu mà chỉ có bấy nhiêu/ Thì xin trả lại những điều Bộ giao !
Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1980, ta tiến hành cải cách giáo dục lần thứ ba, hợp nhất giáo dục hai miền vốn có triết lý khác nhau, mà không thấy lựa chọn, đưa ra một triết lý mới, kết hợp trong đó những điều khả thủ của nhau (ngoại trừ việc thống nhất hệ thống giáo dục phổ thông của cả nước là 12 năm). Hai nguyên lý, ba phương châm cũng mờ dần, rồi về sau thường ít được nhắc đến.
Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, sau thống nhất, đất nước lại lâm vào khủng hoảng mất gần mười năm, đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn, giáo dục cũng rơi vào trì trệ, tan vỡ từng mảng, nhất là ở nông thôn và miền núi. Đại hội VI của Đảng (1986) mở ra thời kỳ đổi mới, bắt đầu từ đổi mới tư duy kinh tế. Kinh tế đổi mới kéo theo sự đổi mới tương ứng của tư duy chính trị, văn hóa, giáo dục…, đất nước dần dần thoát ra khỏi khủng hoảng.
Công cuộc đổi mới tư duy giáo dục diễn ra tiệm tiến từ thời đó tới nay đã gần ba chục năm, đã khắc phục được một số quan niệm phiến diện về giáo dục, đã tiếp cận được với một số quan điểm, triết lý giáo dục hiện đại của thế giới, đã có một số điều chỉnh, cải tiến về nội dung chương trình, sách giáo khoa, bước đầu đổi mới về cách dạy – cách học, chú trọng hơn về phát huy tính tích cực, chủ động của người học,…
Tuy nhiên, qua trao đổi, thảo luận, nhiều ý kiến của các nhà khoa học tiêu biểu, các chuyên gia giáo dục, các nhà lãnh đạo- quản lý giáo dục kỳ cựu,…đều cho rằng đến nay giáo dục của ta vẫn chưa tìm được lối ra, vẫn đang chìm ngập triền miên trong những “vấn nạn” như thầy đọc, trò chép, thiên về dạy chữ (kiến thức) mà chưa chú trọng dạy làm người (trau giồi nhân cách, rèn luyện các kỹ năng sống, kỹ năng tư duy, năng lực cảm thụ, óc tưởng tượng, trí sáng tạo, v.v…) Nội dung và phương pháp giáo dục còn lạc hậu, cũ kỹ, trong khi đó thi cử lại nặng nề, thiên về kiểm tra trí nhớ chứ không đòi hỏi vận dụng vào giải đáp những vấn đề bức xúc đang đặt ra ngay trong cuộc sống đời thường; cả xã hội đang chạy theo hư danh, bằng cấp, dẫn đến nạn mua bằng, bán điểm…Chủ nghĩa vụ thành tích, xu hướng “hư học”, thương mại hóa giáo dục,… đang tăng lên, chất lượng giáo dục đang giảm sút, trong khi chi phí giáo dục lại tăng cao (cả phía nhà nước và nhân dân), con em các gia đình lao động bị mất cơ hội thành công vì học phí quá đắt so với thu nhập của người nghèo, khoảng cách giữa mục tiêu lý thuyết và thực tiễn giáo dục xã hội chủ nghĩa của ta ngày càng doãng ra.
Làm sao để khắc phục chúng, phải bắt đầu từ đâu ? Có nhiều nguyên nhân, song chúng tôi chỉ xin tập trung vào chủ đề chính của bài viết: chúng ta đã lúng túng, đã quá chậm chạp trong việc điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hay thay đổi triết lý giáo dục của mình, trong khi thời đại và đất nước 30 năm qua đã thay đổi rất cơ bản, rất toàn diện. Triết lý là cái gốc chỉ đạo mọi vấn đề của giáo dục, chưa thiết kế xong nó, chưa thể nói đến chiến lược phát triển hay đổi mới chương trình và sách giáo khoa.
Ngày nay, nhân loại đang tiến vào một nền văn minh mới-văn minh trí tuệ, một nền kinh tế mới-kinh tế tri thức, một trình độ xã hội mới-xã hội thông tin. Thế giới đang trong cuộc chạy đua về tốc độ: tốc độ nghiên cứu-triển khai, tốc độ đưa ra ứng dụng, tốc độ quay vòng vốn, tốc độ đẩy nhanh các số liệu, thông tin, tri thức,…trong hệ thống kinh tế-xã hội. Trong bối cảnh đó, lượng tri thức khoa học của loài người đang tăng lên rất nhanh mà cũng đang già đi, cũ đi, lạc hậu đi rất nhanh. Nếu cứ dạy và học theo lối nhồi nhét kiến thức mà không biết sáng tạo là thừa, là vô ích. Vì vậy, người ta nói: muốn biết tương lai của một dân tộc ra sao hãy nhìn vào hiện tại xem dân tộc đó đang làm giáo dục như thế nào?
Thời đại mới cần một kiểu người mới. Hội nhập, toàn cầu hóa là đi vào một thế giới đua tranh, để thành công, chúng ta cần đào tạo ra những con người: – có trí tuệ, có bản lĩnh, tự tin, ham học và biết cách học, luôn say mê tìm tòi sáng tạo, không trượt theo lối cũ, đường mòn; -có phẩm chất đạo đức-nhân văn, biết hợp tác, hòa giải những mâu thuẫn, khác biệt một cách khoan dung nhằm đi tới cộng tác thân thiện; -có tư duy chuẩn xác trong phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề, có các kỹ năng xã hội như lựa chọn và xử lý thông tin, kỹ năng truyền đạt-thuyết phục người nghe, biết nhiều ngoại ngữ để mở cửa đi vào thế giới phẳng, v.v.. Nếu chỉ đào tạo ra những con người ngoan ngoãn, biết vâng lời, nhưng kém cỏi, thụ động thì bao giờ Việt Nam mới tạo ra được một lớp công dân toàn cầu, sống ở Việt Nam mà có thể làm việc cho nhiều công ty đa quốc gia trên toàn thế giới?
Việt Nam từ sau đổi mới 1986, nhất là sau 1991, khi chiến tranh lạnh đã kết thúc, sự đối đầu hai phe không còn, thế giới bước vào thời đại toàn cầu hóa, mở cửa, hợp tác cùng phát triển; chúng ta đã chấp nhận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, gia nhập ASEAN, vào WTO và nhiều tổ chức quốc tế khác, đang đàm phán để được tham gia Hiệp định TPP , đã từng được bầu là Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an LHQ và đang là ủy viên Hội đồng nhân quyền thế giới,…nghĩa là đang phấn đấu để trở thành một thành viên bình đẳng với các nước trong khu vực và thế giới về mọi mặt.
Đương nhiên, Việt Nam vẫn đang kiên trì mục tiêu xã hội chủ nghĩa, nhưng quan niệm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội cũng đã có nhiều thay đổi, theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, điều đó không có gì cản trở chúng ta trong việc thiết kế một triết lý giáo dục hiện đại, trong đó vừa tích hợp được tinh hoa giáo dục của thời đại vừa kế thừa được truyền thống giáo dục tốt đẹp của dân tộc, nhất là tinh hoa tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

2. Có một triết lý giáo dục Hồ Chí Minh, như một kho báu đang tiềm ẩn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất thân trong một gia đình khoa bảng, có truyền thống hiếu học, từ nhỏ đã say mê học tập, khao khát tìm tòi cái mới, cái tiến bộ. Chịu ảnh hưởng của Phan Chu Trinh và các “tân thư” thời bấy giờ, Người đã “ngộ” ra rằng muốn cứu nước, phải nâng cao dân trí cho dân tộc, trước hết là cho thanh thiếu niên; vì vậy, từ rất sớm, đã nhận thấy vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục. Những bài báo đầu tiên được viết trên đất Pháp nói chung đều xoay quanh chủ đề này: tố cáo chính sách ngu dân của chính quyền thuộc địa, truyền bá những quan điểm giáo dục tiên tiến, kêu gọi, thức tỉnh thanh niên trong nước,…
Đến khi lựa chọn được con đường cách mạng, Người đã quyết tâm trở về, “đi vào quần chúng thức tỉnh họ, tổ chức họ, rèn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh”. Từ những lớp huấn luyện chính trị đầu tiên ở Quảng Châu, các lớp huấn luyện cán bộ Việt Minh ở biên giới Việt-Trung trước cách mạng, cho đến các lớp học tập, nghiên cứu lý luận cho cán bộ trung cao cấp và trí thức sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn hiện thân như là một người thầy mẫu mực, kiên trì, cần mẫn vun đắp cho sự nghiệp “trồng người”; qua đó đã đào tạo nên bao thế hệ cán bộ-chiến sĩ trung thành, sáng suốt, và họ đã cùng với Người đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ trở thành một dân tộc tự do, độc lập, từng bước sánh vai, mở mặt với năm châu. Trên ý nghĩa đó, Hồ Chí Minh không phải chỉ là “anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất” mà còn là một nhà giáo dục vĩ đại đã khai sáng cho cả một dân tộc.
Trên cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam mới, Người thường xuyên chăm lo xây dựng nền giáo dục của nước nhà: đi thăm các lớp học xóa mù chữ, các lớp bổ túc văn hóa buổi tối, thăm các trường từ mẫu giáo, phổ thông, chuyên nghiệp đến các trường đại học, đến thăm và nói chuyện với các lớp bồi dưỡng, tập huấn của giáo viên các cấp; viết thư, thăm hỏi, tặng huy hiệu cho các nhân sĩ, trí thức, các thầy cô giáo có thành tích,… Đến đâu, Người cũng ân cần đưa ra những lời khuyên, lời chỉ giáo thiết thực, sâu sắc, thấm thía, bổ ích cho việc dạy và học. Trên thế giới, hiếm có tấm gương nào của một lãnh tụ chính trị hàng đầu, trong hoàn cảnh chiến tranh và cách mạng khẩn trương, vẫn dành cho giáo dục một sự quan tâm ưu ái đến như vậy.
Thành công của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giáo dục-đào tạo chính là thể hiện sự thành công của một triết lý giáo dục cách mạng đúng đắn, có giá trị lý luận và thực tiễn cao, không phải chỉ trong quá khứ mà vẫn đang giữ nguyên tính cập nhật ở thời đại kinh tế tri thức và xã hội thông tin hiện nay. Ở đây, người viết không có ý định nghiên cứu trên bình diện lý luận toàn bộ tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh mà chỉ bước đầu hệ thống lại những câu nói, những mệnh đề chứa đựng những quan điểm cơ bản nhất có quan hệ đến mục tiêu, nguyên lý, phương châm giáo dục, nội dung và phương pháp dạy học, … nhằm khẳng định: có một triết lý giáo dục Hồ Chí Minh như một kho báu, đang tiềm ẩn những giá trị mà chúng ta không được lãng quên, cần ra sức khai thác, vận dụng quán triệt trên con đường tìm kiếm một triết lý giáo dục hiện đại, tiếp thu tinh hoa thế giới nhưng sao cho phù hợp với truyền thống dân tộc mà không quá cao, quá xa so với điều kiện thực tế về kinh tế-chính trị-xã hội của Việt Nam ở thời kỳ hiện nay.
1. Về vai trò nền tảng và sứ mệnh trọng đại của giáo dục.
Hồ Chí Minh thường không nói những lời to tát, nói giản dị mà thấm thía: -Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu.
-Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em
-Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta,… phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập.
-Dốt nát cũng là kẻ địch. Địch dốt nát giúp cho địch ngoại xâm…
Một quân đội văn hay võ giỏi, là một quân đội vô địch.
-Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang…Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế-văn hóa. Trong việc đào tạo cán bộ, giáo dục là bước đầu. Tuy không có gì đột xuất, nhưng rất vẻ vang. Không có tượng đồng bia đá, không có gì là oanh liệt, nhưng làm tròn nhiệm vụ là anh hùng…
-Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người, v.v..
Phải đến thập niên 90 của thế kỷ XX, tư tưởng này của Hồ Chí Minh mới được thế giới bàn đến. Hội nghị quốc tế về “giáo dục cho mọi người”, họp vào tháng 3-1990, mới khẳng định: “Sự suy đồi về dân trí không tránh khỏi dẫn tới sự suy đồi về kinh tế-xã hội”. Năm 1994, UNESCO đưa ra tuyên bố: “Không có một sự tiến bộ và thành đạt nào có thể tách khỏi sự tiến bộ và thành đạt trong lĩnh vực giáo dục của quốc gia đó”.
Năm 1996, khi UNESCO đưa ra 3 nội dung cho “Triết lý giáo dục thế kỷ XXI”, trong đó điều đầu tiên là “Phải coi giáo dục là giải pháp hàng đầu để giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội của một quốc gia cũng như của mỗi cá nhân”, thì tư tưởng này đã được Hồ Chí Minh sớm đề cập đến từ cuối những năm 40, giữa những năm 50 của thế kỷ trước.
2. Về mục tiêu của nền giáo dục dân chủ mới:
-Một nền giáo dục của một nước độc lập…sẽ đào tạo các em nên những người hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em.
-Cốt nhất là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai. Quyết không chịu làm nô lệ.
-Học bây giờ với học dưới chế độ thực dân phong kiến khác hẳn nhau. Bây giờ phải học để: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu đạo đức…Học để phụng sự ai? Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giầu, nước mạnh.
-Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, khoa học-kỹ thuật, lao động và sản xuất”.
– Học để làm việc, làm người, làm cán bộ.
Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại.
Muốn đạt được mục đích thì phải: Cần, kiệm, liêm, chính, Chí công, vô tư.
“Triết lý giáo dục thế kỷ XXI” của UNESCO đưa ra năm 1996, đã nêu lên bốn mục tiêu: “Học để biết- Learning to know (sau đổi lại là học để biết cách học-Learning to learn ), Học để làm-Learning to do, Học để cùng chung sống-Learning to live together, và Học để làm người-Learning to be (sau đổi lại là học để sáng tạo: Learning to create). Hồ Chí Minh khi ghi vào sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc TƯ năm 1949, cũng đề ra ba mục tiêu, thì đã có hai điều phù hợp với tư duy giáo dục thế kỷ XXI: học để làm việc, học để làm người.
3. Về phương châm, phương pháp dạy và học:
-Trong trường học, các thầy nên thi nhau tìm cách dạy sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh chóng và thiết thực.
-(Trong hoàn cảnh kháng chiến) Chúng ta phải sửa đổi cách dạy cho phù hợp với sự đào tạo nhân tài kháng chiến và kiến quốc.
-Giáo dục nhi đồng là một khoa học. các bạn hãy cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm để tiến bộ mãi, nhất là phải làm kiểu mẫu trong mọi việc cho các em bắt chước.
-Nên chú ý làm thế nào cho việc giáo dục liên kết với đời sống của nhân dân, với cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc.
-Về học tập và giảng dạy, phải thực hiện tốt phương châm giáo dục kết hợp với lao động sản xuất. Về giảng dạy, tránh lối dạy nhồi sọ. Chương trình dạy học hiện nay còn có chỗ quá nhiều, quá nặng.
-Phương pháp giáo dục thì theo nguyên tắc tự nguyện tự giác, giải thích, bàn bạc, thuyết phục, chứ không gò bó.
-Các cháu không nên học gạo, không nên học vẹt…Học phải suy nghĩ, phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau.
-Di chúc: Sau kháng chiến thắng lợi, phải: Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân.
Đặc biệt, từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những quan niệm rất mới, rất hiện đại về cách học. Người yêu cầu:
-Trước hết, phải biết tự giác, tự động học tập. Người nói: “ Về cách học, phải lấy tự học làm cốt, do thảo luận và chỉ đạo góp vào”. Như vậy, trên thực tế, Hồ Chí Minh đã chủ trương phải bắt đầu từ người học, “phải lấy người học làm trung tâm”, nghĩa là người học (học viên, học sinh) phải biết tự giác, tự động học tập và nghiên cứu – lấy đó làm cốt; sau đó tiến hành thảo luận tập thể (xêmina) rồi kết hợp với bổ sung, nâng cao thêm của giảng viên mà hoàn thiện nhận thức của mình. Đây là cách học phổ biến đang được áp dụng ở nhiều trường trên thế giới, càng lên cao, càng phải triệt để vận dụng cách học 3 khâu này.
-Hai là, Người nhấn mạnh: “ Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi: “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều” . Tức là Người đòi hỏi phải chống kinh viện, giáo điều, phải rèn luyện tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khuyến khích tự do tư tưởng. Người nói: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý”.
-Ba là, Người đề ra yêu cầu: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi” . Trong thư gửi “Quân nhân học báo” tháng 4-1949, Người đã viết:
“Học không bao giờ cùng
Học mãi để tiến bộ mãi
Càng tiến bộ, càng thấy phải học thêm”.
Người nói với các thầy giáo: “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện…Người huấn luyện nào tự cho mình đã biết cả rồi thì người đó dốt nhất” . Nhắc nhở người khác đồng thời với nêu gương tự học của bản thân:“Tôi năm nay đã 71 tuổi, ngày nào cũng phải học…Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”.
Triết lý giáo dục cho thế kỷ XXI của UNESCO đến năm 1996 mới đề ra khẩu hiệu “Học suốt đời” (Life long learning). Như vậy Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm “học suốt đời” sớm hơn UNESCO hàng mấy chục năm.
So sánh như vậy chỉ nhằm khẳng định: nhiều nội dung trong tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh vẫn đang rất cập nhật, rất hiện đại. Có đặt tư duy của Cụ vào thời chiến tranh lạnh, thời còn đối đầu ý thức hệ giữa 2 phe, chưa phải thời của công nghệ thông tin, kinh tế tri thức, toàn cầu hóa, hội nhập, hợp tác cùng phát triển như hiện nay, mới thấy triết lý giáo dục của Hồ Chí Minh đã đi trước thời đại khá xa.
Hiện nay, để tư duy lại và thiết kế thành công một triết lý giáo dục mới, đáp ứng được đòi hỏi của giáo dục nước nhà trong thời đại mới, tất nhiên chúng ta phải ra sức học hỏi, tiếp thu tinh hoa giáo dục của loài người. Tuy nhiên, sự học hỏi nào, muốn đạt hiệu quả mong muốn, cũng không được thoát ly truyền thống văn hóa dân tộc và hiện tình của đất nước, tức là bên cạnh cái chung của thế giới, vẫn có cái riêng của Việt Nam. Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh chính là sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa Việt Nam và thế giới, giữa định hướng xã hội chủ nghĩa với những giá trị phổ quát của nhân loại.
Triết lý giáo dục là chuyện quốc gia đại sự – là cương lĩnh của một ngành giữ vai trò nền tảng của quốc gia, sự thành công hay thất bại của nó liên quan đến vận mệnh của đất nước, đến tương lai của nhiều thế hệ mai sau, do đó không thể “khoán trắng” cho Bộ giáo dục-đào tạo, hay cho một đề tài nghiên cứu của một nhóm người nào. Đã coi giáo dục là “quốc sách hàng đầu” thì cả Đảng, Nhà nước, Quốc hội, trước hết là những nhà lãnh đạo chủ chốt, phải quan tâm, lo lắng, phải bức xúc về chuyện này, như trước đây, Bác Hồ và các cộng sự của Người như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp,…hằng quan tâm chỉ đạo sát sao đối với giáo dục.
Trong tình hình hiện nay, nên chăng chúng ta cần thành lập một Hội đồng Cố vấn Quốc gia Giáo dục, như Hội đồng cố vấn học chính năm 1945 mà Bác Hồ đã thiết lập, độ chừng 30 thành viên, gồm những nhân vật tiêu biểu nhất cho trí tuệ của văn hóa-giáo dục Việt Nam hiện thời, trong đó có Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo, nhưng không thuộc Bộ, mà trực thuộc Chính phủ, làm chức năng cố vấn cho Chính phủ trong việc nghiên cứu, tham mưu giải quyết những vần đề bức xúc đang đặt ra cho giáo dục Việt Nam. Thời gian tồn tại của Hội đồng có thể từ 1 đến 2 năm rồi giải thể sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ.
Giáo dục Việt Nam đang trong tình trạng khủng hoảng, lối ra cho nó không phải là vạch ra chiến lược này hay chiến lược nọ, đổi mới bộ phận này hay bộ phận kia khi cả con tàu giáo dục của chúng ta chưa có la bàn định hướng thật rõ ràng, nhất quán. Vấn đề cấp bách trước nhất hiện nay là phải sớm tư duy lại, thiết kế gấp một triết lý mới cho giáo dục Việt Nam, nếu cứ để tình trạng trì trệ, lệch hướng của giáo dục kéo dài như hiện nay thì khó tránh khỏi rơi vào nguy cơ mà tổ chức UNESCO đã cảnh báo từ năm 1994, rằng “những quốc gia nào coi nhẹ giáo dục hoặc không đủ tri thức và khả năng cần thiết để làm giáo dục một cách có hiệu quả thì số phận của quốc gia đó xem như đã an bài và điều đó còn tồi tệ hơn cả sự phá sản”./.

Tháng 4-2014

Bình luận về bài viết này