Bác Hồ đón giao thừa Xuân Bính Tuất 1946 với…

 

 

Bác Hồ đón giao thừa Xuân Bính Tuất-1946

 với một vị khách quốc tế đặc biệt

 

                                                              Song Thành

 

          Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 đã đổi đời cho cả dân tộc. Một sức sống mới được hồi sinh, bừng lên trong ánh mắt, nụ cười của mỗi người dân, tâm hồn ai cũng lâng lâng như có cánh, như đang say trong niềm vui tự do, độc lập. Tết Trung Thu vừa qua đi, Xuân Bính Tuất lại đã đến gần. Tết độc lập đầu tiên của dân tộc có vẻ như đến sớm hơn mọi năm. Tết của mọi nhà mà cũng là một tết riêng rất đáng nhớ trong cuộc đời cách mạng đầy gian truân của Bác Hồ. Sau hơn bốn mươi năm lưu lạc, “độc tại dị hương, vi dị khách, mỗi phùng xuân tiết, bội tư thân[1], Người nào có biết đến “xuân” là gì, nay được đón tết độc lập đầu tiên giữa Thủ đô, trong lòng dân tộc, còn có niềm vui nào vui hơn đối với Bác!

Mừng báo“Quốc gia” của một nhóm thân sĩ yêu nước vừa xuất bản tại Hà Nội, Người viết ngay bài thơ tặng :

Tết này mới thật Tết dân ta,

Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia.

                                    Độc lập đầy vơi ba cốc rượu,

Tự do vàng đỏ một rừng hoa.

Muôn nhà chào đón xuân dân chủ,

Cả nước vui chung phúc cộng hòa.

Ta chúc nhau rồi, ta nhớ chúc,

Những người chiến sĩ ở phương xa.

Tối ba mươi , Người đi thăm, chúc tết một số gia đình nghèo, gia đình mấy vị nhân sĩ, trí thức, trong đó có gia đình ông Từ Lâm bán sách cũ ở Cửa Nam, một gia đình nghèo ở Ngõ Hàng Đũa (nay là ngõ Lương Sử C), một gia đình công chức ở phố Hàng Lọng (nay là phố Lê Duẩn), rồi đến thăm chúc tết Cố vấn Vĩnh Thụy ở đường Trần Hưng Đạo.

Người dặn ông Nguyễn Lương Bằng chuẩn bị trước một bộ đồ cải trang để Người đi đón giao thừa. Trong bộ đồ khăn xếp, áo the, giày Gia định, mục kỉnh đeo hơi trễ xuống, khăn quàng cổ đưa lên che bớt bộ râu, giống như một vị thân sĩ, Bác Hồ hòa vào dòng người dân Thủ đô đi đón Giao thừa Xuân Bính Tuất quanh Hồ Gươm. Cùng đi với Người đêm đó, có một vị khách đặc biệt, người nước ngoài đầu tiên – một nhà báo Mỹ – được vị Chủ tịch nước Việt Nam mời sang thăm rồi đích thân dẫn đi du xuân trong đêm giao thừa, đón Tết Độc lập đầu tiên của nước Việt Nam mới.

Người dẫn khách qua cầu Thê Húc, thăm Đền Ngọc Sơn đúng vào lúc giao thừa, pháo bắt đầu nổ ran, dòng người như nêm, chen chúc trong mùi  hương, khói pháo. Ra khỏi cầu Thê Húc, chủ khách mới thở phào, nhẹ nhõm. Người đưa khách ngược lên thăm phố Hàng Đào, Hàng Ngang, rẽ sang phố Hàng Vôi, nay là Lý Thái Tổ, vào thăm, chúc tết gia đình một vị trí thức. Các cháu nhỏ quấn quít bên Bác Hồ, đưa ra những tranh vẽ hồn nhiên khoe với Bác.

Trên đường về Bắc bộ phủ, theo lời kể lại của nhà báo Mỹ, hình như không khí đoàn tụ, ấm cúng ngày tết của gia đình ấy đã làm cho Người có vẻ xúc động, trở nên trầm ngâm, lặng lẽ. Nhà báo gặng hỏi Người về gia đình. Lát sau, Người cũng cho biết: “Tôi hiện không có gia đình, không có gì hết…Trước đây, tôi cũng đã…”[2].

Đến đây, có lẽ bạn đọc muốn hỏi : nhà báo Mỹ đó là ai, sao lại có được vinh hạnh đến như vậy? – Xin thưa, đó là một phóng viên quốc tế nổi  tiếng, nhà khoa học chính trị, nhà báo, nhà văn Mỹ Harold R. Isaacs, một người quen cũ của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1924 ở nước Nga, có xu hướng “cánh tả”, khi ấy là phóng viên thường trú của tạp chí Newsweek tại Maxkva, rồi 10 năm sau bất ngờ gặp lại nhau ở Thượng Hải, tháng 9 năm 1933.

Chúng ta đều biết, thời gian 1923-1924, Nguyễn Ái Quốc tới Maxkva tham dự Hội nghị Quốc tế nông dân, có bài tham luận nổi tiếng, rồi được bầu vào Đoàn Chủ tịch của Hội, gồm 11 ủy viên, với tư cách là đại biểu duy nhất của nông dân thuộc địa. Tiếp theo, Người tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản, rồi Đại hội các tổ chức quốc tế khác như Quốc tế Công hội đỏ, Quốc tế Thanh niên, Quốc tế Phụ nữ, …với các bài tham luận, bài báo sắc sảo được đăng trên báo chí Xô viết thời bấy giờ, giúp cho tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc được dư luận biết đến rộng rãi. Ngày 1 tháng 5 – 1924, ông Nguyễn được Tổng bí thư Quốc tế Cộng sản  V. Côlarốp viết thư mời đến Hồng trường dự mít tinh và nói chuyện với quần chúng,… Từ đó, Nguyễn Ái Quốc được nhiều phóng viên nước ngoài có mặt ở Maxkva tìm đến phỏng vấn : như Giôvani Giécmanettô – báo L’Unità của Đảng CS Italia, Ôxíp Manđenstam – báo Ogoniok (Ngọn lửa nhỏ), rồi được gặp họa sĩ Đức gốc Thụy Điển Êrich Johanson,  khi Người đến thăm phòng triển lãm nghệ thuật tạo hình Đức, được trưng bày tại Maxkva tháng 9- 1924. Cuộc trao đổi về nghệ thuật giữa hai người diễn ra khá tâm đắc, làm cho Êrích thích thú, nên lập tức đề nghị được ký họa chân dung ông Nguyễn. Hơn bốn mươi năm sau, nhân dịp 70 năm ngày sinh CT Hồ Chí Minh, báo chí Thụy Điển đăng chân dung Người. Nhìn ảnh, họa sĩ thấy khuôn mặt quen quen, nhất là đôi tai, bèn lấy hai bức ký họa sơn dầu ra đối chiếu, thì nhận ra ngay người trong tranh này chính là chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam hiện nay. Sau khi họa sĩ qua đời, hai bức tranh này đã được gia đình họa sĩ tặng lại cho Việt Nam, và hiện vẫn đang được trưng bày trong Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội.

Một nhà báo năng động, nhạy cảm như H. R. Isaacs chắc cũng đã gặp gỡ và làm quen với Nguyễn Ái Quốc vào thời gian ấy. Nhà báo nổi tiếng này hiểu biết khá nhiều về Nguyễn Ái Quốc, đã từng viết sách, viết báo về Người, công bố ở bên Mỹ, song do sự giao lưu văn hóa giữa hai nước chưa thật phát triển, nên thông tin chưa đến được với đông đảo người Việt Nam chúng ta.

GS sử học Mỹ William J. Duiker, tác giả cuốn tiểu sử đầy đặn có tên Ho Chi Minh a life, trong quá trình đi sưu tầm, trao đổi tư liệu để viết, ông đã hai lần đến Hà Nội, làm việc với tác giả bài viết này. Ông đã tặng tôi một ít sách và tư liệu về Hồ Chí Minh từng công bố ở Mỹ, trong đó có cuốn “HO” của nhà báo danh tiếng David Halberstam (Random House Inc. New York, 1971- cuốn này từ  lâu cũng đã có mặt ở Việt Nam); một vài trang photo trong cuốn sách của H. R. Isaacs “Re-encounters in CHINA. Notes of a Journey in a Time Capsule”, Armonk, New York/London. Đây là cuốn sách cuối cùng của ông, được hoàn thành sau chuyến đi cùng với vợ là Viola trở lại thăm Trung Quốc năm 1980, được xuất bản năm 1985. Ông qua đời năm 1986.

Mấy trang photo này chứa đựng những thông tin vô cùng quý giá trong việc nghiên cứu tiểu sử Hồ Chí Minh mà ta chưa được biết đến.Tuy chỉ vài trang thôi nhưng rất quan trọng, giúp ta hiểu được nhờ ai, bằng cách nào Nguyễn Ái Quốc đã có thể thoát khỏi Thượng Hải, về được Maxkva trong hoàn cảnh cô đơn, bị bao vây ngặt nghèo lúc bấy giờ, và cũng hiểu được vì sao Nguyễn Ái Quốc không thể khai ra theo yêu cầu của Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản.

Sách báo của ta nói khá kỹ về ‘vụ án Hông Kông”, còn thời gian ở Thượng Hải thì gần như bị coi là “đã mất tích” hoặc “đã chết”, rồi năm 1934 lại thấy xuất hiện ở Maxkva.  Sau này, sách “Hồ Chí Minh –  Biên niên TS”, tập 2 (1930-1945), dựa theo “Vừa đi đường, vừa kể chuyện” của T. Lan, có viết:

“Ở Thượng Hải, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục tìm cách liên lạc với các tổ chức cách mạng và đồng chí của mình. Nhờ đọc báo, Người được biết một đoàn đại biểu từ châu Âu đến Thượng Hải họp Hội nghị quốc tế chống chiến tranh đế quốc, trong đoàn có Paul V. Couturier. Người liền viết thư gửi cho Paul, thuê một chiếc xe du lịch hạng sang, đến tự tay bỏ vào thùng thư trước nhà bà Tống Khánh Linh, để nhờ bà chuyển giúp tới P. V. Couturier. Vài hôm sau, hai người gặp nhau. Người kể cho Paul biết hoàn cảnh khó khăn hiện nay của mình. Paul thông báo cho Người biết tình hình phong trào cách mạng trong nước và thế giới thời gian qua. Mấy ngày sau, Nguyễn Ái Quốc đã chắp được liên lạc với đoàn thể. Thế là:

Ba năm lưu lạc, linh đinh,

Nay đà trở lại trong đại gia đình công nông”[3].

Tuy nhiên, khi đó T. Lan cũng không thể nói rõ P.V. Couturier đã giúp Nguyễn Ái Quốc cụ thể như thế nào, chắp được liên lạc với đoàn thể, là với ai (Việt hay Trung ?), làm sao Nguyễn Ái Quốc có thể trở về được Maxkva trong điều kiện cực kỳ khó khăn ở Thượng Hải lúc bấy giờ ?

Trước hết, cần nói qua về Hội nghị quốc tế châu Á “phản đối chiến tranh xâm lược”, họp tại Thượng Hải vào ngày 30-09-1933, thành phần tham dự có : Lord Marley, P.V.Couturier, bác sĩ Marteaux, nhà báo Mỹ H. R. Isaacs, một đại diện của nước Nga xôviết, và khoảng 50 người Trung Quốc, trong đó có bà Tống Khánh Linh. Một số nữa là thành viên cao cấp của Liên đoàn Phản đế tại Berlin.Ta hiểu rằng trong vụ việc này có sự giúp đỡ của P.V. Couturier, nhưng nội dung cụ thể là như thế nào thì vẫn chưa được rõ, vì Hội nghị chỉ họp có một ngày, sau đó Paul phải theo phái đoàn trở về châu Âu.

Tôi nghĩ rằng cuốn sách mang tính hồi ký của H.Isaacs “Những cuộc tái ngộ bất ngờ ở nước Trung Hoa được nói tới ở trên, công bố từ năm 1985, tới nay đã tròn 30 năm, tác giả của nó cũng đã qua đời từ lâu, xét thấy nội dung cũng không còn gì là bí mật nữa, vậy trong bài này, xin thông tin lại để độc giả được biết về một khoảng còn “trống” trong những năm tháng hoạt động cách mạng đầy gian truân của Bác Hồ vào thời đoạn 1934-1938.

Sau đây là những  ý chính trong lời kể của H. Issacs  qua  mấy trang photo mà GS W. Duiker đã tặng  tôi – nay xin tặng lại, như một món quà năm mới, cho bạn đọc rộng rãi cùng biết :

“Cảnh sát ở Thượng Hải, dưới thời cai trị của Anh, Pháp và Quốc dân đảng, chưa bao giờ làm việc có hiệu quả. Vị lãnh tụ cộng sản nổi tiếng của Đông Dương, dưới cái tên Nguyễn Ái Quốc, lánh nạn tại đây đã hơn một năm mà vẫn không bị phát hiện.

          “Ông là một người mảnh khảnh, dẻo dai, dường như lúc nào cũng coi mọi nguy hiểm với một sự vô tư, hài hước nào đó. Ông đã thoát khỏi nhà tù Victoria của Anh ở Hồng Kông, đến Thượng Hải, trên một con tàu chạy bằng hơi nước.

          “Chưa rõ ai là người đã giúp ông liên lạc với tôi – một việc đối với tôi là nguy hiểm, làm tôi rất lo lắng. Nhưng mỗi lần chúng tôi gặp nhau, ông lại có vẻ liều lĩnh hơn mức cần thiết.

          “Những đảng viên (cộng sản Trung Quốc) ở Thượng Hải khi đó đã giảm đến mức tối thiểu để tránh rủi ro có thể xảy ra đối với họ.

          “Ngoài việc cung cấp cho ông một ít tiền để ông có thể ăn ở một cách khiêm tốn, thì mục đích của tôi là tìm cách giúp ông thoát khỏi nơi đây để trở về Châu Âu. Việc này cũng đem lại cho tôi những bài học.

          “Năm 1933, quan hệ thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã được nối lại. Các tàu chở hàng của Liên Xô đã bắt đầu đến Thượng Hải.

          “Khi tôi chính thức đặt vấn đề với phóng viên TASS – người Nga duy nhất mà tôi được biết ở Thượng Hải – rằng ông Hồ cần được đưa ra nước ngoài trên một chiếc tàu chở hàng nào đó của Liên Xô. Anh phóng viên Chernov của hãng TASS  đã nhìn tôi với cái nhìn quở trách lạ lùng : “Liệu tôi có điên đến mức đem đánh đổi con đường thương mại vừa mới được mở ra với Nga bằng việc làm liều lĩnh này không ?”.

          “Cái mà anh ta không chút ngờ vực, coi như là một ví dụ về cái bệnh “ấu trĩ tả khuynh” (infantile leftism) của tôi, còn tôi thì lại coi thái độ của anh là một ví dụ cụ thể về chính sách của Staline: “ ưu tiên trên hết cho quyền lợi của nước Nga – một nước xã hội chủ nghĩa duy nhất” trên thế giới ! Điều đó làm tăng thêm tính ngờ vực sẵn có và những thắc mắc của tôi về đặc tính của chế độ Nga Xô-viết.

          “Chỉ có một cách là phải kiếm cho ông Hồ một tấm hộ chiếu để ông có thể rời Thượng Hải trong bộ quần áo thường phục. Việc này đòi hỏi phải chụp một tấm ảnh mới. Ông được cải trang, hiện diện với mái tóc rẽ giữa, chứ không phải rẽ lệch như ông vẫn chải – một tình tiết vui nhộn mà cả tôi và ông đã chung nhau những phút cười vui.

          “Ông Hồ thoát khỏi Thượng Hải khi tôi đã ra đi, sau khi đã chuyển giao trách nhiệm của tôi với ông sang tay người khác – những cơ sở đáng tin cậy, mà tôi nhớ là cơ sở của bà Tống Khánh Linh.

          (Theo lời kể của H. R. Issacs, thì những người đã góp phần giúp Bác Hồ, ngoài bà Tống Khánh Linh – quả phụ của Tôn Dật Tiên – thì còn có nhà văn Lỗ Tấn –mà danh tiếng có khả năng che chở cho ông Hồ khỏi bị bắt và một người nữa là Yang Chien (Dương Kiên?) – thư ký của Viện Hàn Lâm SINICA[4], phụ tá của Thái Nguyên Bồi, người đứng đầu Viện này tại Nam Kinh).

          “Khi tôi gặp lại ông ở Hà Nội vào đầu năm 1946, ông đã là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới thành lập, còn tôi lúc đó vẫn là phóng viên của tạp chí Newsweek. Tôi đã có nhiều thời gian để hỏi lại ông ấy về chuyện: cuối cùng, ông đã thoát khỏi Thượng Hải như thế nào?”,…

Nội dung vấn đề tóm tắt là như vậy, nhưng không hề đơn giản, vì thế không thể nói thật, bởi nó liên lụy đến nhiều người, trong đó có cả phóng viên Chernov của hãng TAAS; nhưng cái chính là Nguyễn Ái Quốc đã nhận được sự giúp đỡ của một người Mỹ, gốc Do Thái – một người ủng hộ quan điểm “cánh tả đối lập” của Trôtxky, chống lại Staline thời đó – điều mà ở Maxkva  nhiều người biết. Chi tiết này nếu công bố thì cực kỳ nguy hiểm cho sinh mệnh chính trị của Nguyễn Ái Quốc, bởi Staline vốn đã có ấn tượng không mấy thiện cảm với ông Nguyễn – bị coi là một phần tử dân tộc chủ nghĩa; hai là bản thân Staline cũng rất kỳ thị người Do Thái không khác gì Hitler. Trong thời kỳ 1934-1938, rất nhiều người cộng sản gốc Do Thái ở Nga đã bị thanh trừng, trong đó có những người nổi tiếng, có công, mà Nguyễn Ái Quốc từng quen biết, như M. Bôrôđin (nguyên là bạn của Lênin, tên thật là Gruzenberg), tướng Gallen, nhà thơ Ôsip Manđenstam – người đã viết bài phỏng vấn nổi tiếng: “Thăm một chiến sĩ quốc tế cộng sản-Nguyễn Ái Quốc”, Hilaire Noulens, kể cả chồng bà V.Vasilieva là Mark Zorkii, cùng nhiều người khác  (sau nữa là LevTrôtsky, tên thật là Lev Davidovich Brônstein, cũng xuất thân trong một gia đình Do Thái ở Ukraina), v.v..

Trong bối cảnh đại thanh trừng của Staline thời bấy giờ, những người đã từng bị bắt vào tù đế quốc rồi lại được tha ra, đều bị nghi vấn, điều tra xem có bị kẻ thù mua chuộc, đầu hàng rồi cài lại vào hàng ngũ cách mạng để phá hoại hay không? Theo quan điểm của Khang Sinh – một con người nham hiểm, vốn là một trong ba thành viên Ban thẩm vấn-điều tra về Nguyễn Ái Quốc của Quốc tế Cộng sản lúc đó, thì an toàn nhất chỉ có cách là thủ tiêu ! Nếu họ lại biết thêm sự kiện ông Nguyễn có quan hệ với một người Mỹ, một phần tử ủng hộ quan điểm trốtxkít, chống Staline, lại gốc Do Thái, thì số phận Nguyễn Ái Quốc không còn phải băn khoăn gì nữa, nó đã được an bài !

Có hiểu như vậy, ta mới đánh giá đầy đủ công lao của H. R. Isaacs và những người cộng tác với ông trong việc cứu giúp Nguyễn Ái Quốc thoát khỏi Thượng Hải, tới được Vlađivôxtốc, về được Maxkva, có ý nghĩa quan trọng biết dường nào !

Đúng là, trong cuộc đời hoạt động cách mạng 30 năm đầy gian truân của Bác Hồ ở nước ngoài, Người đã trải qua nhiều khúc : khi thăng hoa, lúc lận đận , “nơi thì đầy ải, nơi thì xót thương”, và cũng đã may mắn nhận được sự giúp đỡ của nhiều người, với những mức độ khác nhau. Nói riêng trong vụ án Hồng Kông và đào thoát khỏi Thượng Hải, có hai ân nhân mà Bác Hồ không bao giờ quên, đó là Luật sư Loseby và các cộng sự, đã giỏi vận dụng luật pháp của nước Anh, bào chữa cho Tống Văn Sơ được trắng án (dù công ty tư nhân của Loseby lúc đầu cũng chỉ nhận bào chữa thuê bình thường theo yêu cầu của Tổ chức quốc tế Cứu tế Đỏ, nhưng sau đó ông đã bị chính thân chủ của mình chinh phục, rồi tự nguyện vào cuộc với một quyết tâm cao cả vì chân lý, chính nghĩa); và hai là nhà báo H. Isaacs, người đã có công giải cứu Nguyễn Ái Quốc thoát khỏi Thượng Hải vào lúc ông đang nguy ngập, trở về được nước Nga. Nói chính xác, đó là ơn cứu mạng, bởi nếu cứ phải lẩn tránh mãi ở đó, khi tiền đã cạn, không sớm thì muộn ông Nguyễn cũng buộc phải  ra khỏi khách sạn, rồi cũng không tránh khỏi sẽ bị phát hiện và bị bắt.

Vì vậy, chỉ ngay sau ngày độc lập vài tháng, nhân dịp năm mới, Bác Hồ, thông qua mấy người bạn Mỹ thuộc nhóm OSS, đã có thư mời H. Isaacs sang thăm Việt Nam, đối xử vào hàng thượng khách, để tỏ lòng tri ân đối với người đã có công cứu mạng đối với mình. Phải thừa nhận rằng việc làm của H. Isaacs vào thời điểm ấy ở Thượng Hải, là một hành động quả cảm, đầy tinh thần quốc tế, vị nghĩa, vô tư, trong sáng,  không phải ai cũng dám làm và làm được. Đây có thể coi là một trong những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của tình hữu nghị Việt – Mỹ. Ta hiểu vì sao Bác Hồ lại ủng hộ việc Tướng Galleger – người đứng đầu phái bộ quân sự Mỹ tại Hà Nội đứng ra thành lập Hội hữu nghị Mỹ – Việt vào đầu năm 1946, và tham dự lễ ra mắt của Hội này bên cạnh Tướng Mỹ Galleger.

Còn đối với vị ân nhân thứ hai, Luật sư Loseby, vì tình hình cách mạng và kháng chiến khẩn trương, phải sau hòa bình, đầu năm 1960, CT Hồ Chí Minh mới có điều kiện mời Luật sư cùng phu nhân và con gái sang thăm Việt Nam. Người đã trực tiếp đưa gia đình Luật sư đi thăm nhiều nơi, tặng những món quà kỷ niệm giá trị cho khách quý. Năm 1967, khi ông Loseby qua đời, thông qua cơ quan đại diện thương mại của ta ở Hồng Kông, Người đã gửi vòng hoa viếng, trên băng tang chỉ ghi đơn giản có ba chữ: Hồ Chí Minh.

Một nhân vật nữa, cũng xứng đáng gọi là ân nhân của Nguyễn Ái Quốc là bà Vêra Vaxiliêva, ‘Giáo sư đỏ”, nguyên trưởng phòng Đông Dương-Ban Phương Đông QT CS- một người bạn, người đồng chí chân thành và tin cậy của Nguyễn Ái Quốc, do đã có nhiều năm cùng làm việc, nên bà rất hiểu,đánh giá rất cao phẩm chất cách mạng và tài năng vượt trội của ông Nguyễn. Trong thời kỳ khó khăn thuở ấy, bà đã đồng cảm, bênh vực và ra sức bảo vệ ông trước Ban thẩm tra Quốc tế Cộng sản. Cuối năm 1938, khi Pavel Miph, Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa bị thanh rừng, rồi Viện bị giải tán, vào lúc Ban Trung ương của ta ở trong nước hầu hết đã bị bắt và hy sinh, bà Vêra đã tranh thủ thuyết phục được Manuinxky giải phóng cho Quốc được về nước để gây dựng lại phong trào. Nhờ đó mà Nguyễn Ái Quốc được “tháo cũi, sổ lồng”, trở về nước qua ngả đường Trung Quốc.

Năm 1955, CT Hồ Chí Minh thăm chính thức Liên Xô, gặp lại bà, sau đó đã có công văn mời bà sang thăm Việt Nam. Tiếc rằng, chuyến đi chưa kịp thực hiện thì bà lâm bệnh rồi qua đời năm 1959.

Năm mới, kể lại chuyện cũ, để hiểu thêm về một giai đoạn trong cuộc đời cách mạng đầy gian nan của Bác Hồ, quan trọng là để thấm thía sâu hơn về chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, về văn hóa tình nghĩa truyền thống của Việt Nam. Người không quên ai, không bỏ sót một nghĩa cử nào đối với mình, dù nhỏ nhất. Người chỉ có bạn, có đối thủ chính trị nhưng không hề có kẻ thù cá nhân. Trong lần tiếp chuyện với một bạn CS Pháp, ông này có nhắc đến việc khi Người đang phát biểu tại Đại hội Tours năm 1920, một vị lãnh đạo của Đảng Xã hội  đã ngắt lời Người một cách khiếm nhã. Người đã cười và nói: “Không nên nhắc lại chuyện cũ làm gì, dù sao tôi vẫn nhớ ơn ông ấy đã dìu dắt tôi trong buổi đầu chập chững bước chân vào con đường cách mạng”. Năm 1966, khi xem lại Di Chúc, Người có bổ sung thêm một câu viết tay vào bản đánh máy: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, bởi như Người từng nói: người cách mạng phải là người “đa tình, chí hiếu”, nếu sống với nhau không có tình thì sao trở thành người cách mạng chân chính được?                       Nhân dịp năm mới, chúng ta cùng nâng cốc chúc nhau : không chỉ  nói theo đạo đức Hồ Chí Minh, mà hãy cố gắng làm theo tấm gương ứng xử ơn nghĩa, có trước có sau, vô cùng giản dị và cao đẹp của Người./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

[1]Thơ Vương Duy, đời Đường.Tạm dịch: Một mình khách lạ, quê người, Mỗi khi Tết đến, bồi hồi nhớ quê.

[2] Xem tiếp câu trả lời trong chương 2,  sách “HÔ” của David Halbestam, bản dịch lưu trong Thư viện Q. Đội

[3] Dựa theo T.Lan : “Vừa đi đường, vừa kể chuyện”, Nxb CTQG, H., 1976, tr. 50-51.

[4] Tức Viện Hàn lâm nghiên cứu về Trung Quốc, gọi tắt là Trung Nghiên viện.

Bình luận về bài viết này